Nhờ vẻ đẹp của dòng sông Cái Bè bao quanh và những ngôi nhà cổ đặc trưng khu vực Nam Bộ nằm thấp thoáng dưới những vườn cây bốn mùa đơm hoa, kết trái mà làng cổ Đông Hòa Hiệp (nay là xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) hiện đang là điểm đến hấp dẫn được nhiều du khách lựa chọn.
Từ TP. Mỹ Tho, theo quốc lộ 1A khoảng 40km về phía tây, khách du lịch sẽ tới làng cổ Đông Hòa Hiệp. Làng có tất cả 6 ấp với hơn 3.000 hộ gia đình, sinh sống chủ yếu dựa vào những vườn cây ăn trái những loại: xoài cát Hòa Lộc, cam sành, bưởi da xanh, nhãn, vũ sữa Vĩnh Kim… và các nghề thủ công truyền thống như: làm cốm, tráng bánh tráng, cán bánh phồng sữa… Ấn tượng đầu tiên khi khách du lịch đặt chân tới đây là hình ảnh những ngôi nhà cổ mang đậm nét kiến trúc văn hóa nhà vườn Nam Bộ với niên đại trên 100 năm. Những ngôi nhà cổ ở đây không nằm sát nhau giống như ở một số làng cổ khác mà chúng nằm đan xen với những vườn cây ăn trái xum xuê tạo nên vẻ đẹp dân dã nhưng thơ mộng và trở thành cuốn hút khách du lịch. Trong số đó, đáng chú ý là nhà cổ của ông Trần Tuấn Kiệt (ấp Phú Hòa) và nhà cổ của ông Phan Văn Đức (ấp An Lợi). Hai ngôi nhà này không những rất độc đáo về kiến trúc mà hiện còn là điểm du lịch homestay thu hút đông khách du lịch quốc tế.

Nhà cổ của ông Trần Tuấn Kiệt được dựng vào năm 1838 trên diện tích 1.000m², bao gồm 5 gian với kiến trúc kiểu chữ Đinh. Trên các vì kèo, ô cửa, bao lan… bằng gỗ có chạm khắc tinh xảo những hoa văn như: tùng, cúc, trúc, mai… và nhiều họa tiết mang đặc trưng văn hóa Nam Bộ. Trong nhà còn lưu giữ nhiều đồ cổ quý như: bộ liễn đối khảm xà cừ, bộ bàn ghế với những hoa văn tinh tế, vật dụng bằng sứ; đặc biệt là 108 cây cột bằng gỗ căm xe quý hiếm, đã được những nhà khảo cổ Nhật Bản xếp vào loại “cửu đại mỹ gia” ở Việt Nam.
Ngôi nhà nằm ẩn mình giữa khu vườn cây ăn trái rộng khoảng 18.000m² càng tạo thêm vẻ kín đáo, yên tĩnh. Khách tới đây dưới hình thức du lịch homestay sẽ được gia chủ sắp xếp chu đáo chỗ ăn, nghỉ và hướng dẫn tận tình nếp sinh hoạt theo gia đình. Nhà có 5 gian và 3 chái mang dấu ấn làng cổ ở đồng bằng Bắc Bộ với kiểu kiến trúc chữ Đinh, được những nhà khảo cổ Nhật xếp vào loại Cửu Đại Mỹ Gia ở Việt Nam.
Nằm trong khuôn viên rộng hơn 20.000m² và được bao quanh bởi khu vườn cây ăn trái quanh năm trĩu quả, nhà cổ của ông Phan Văn Đức mang lối kiến trúc kết hợp hài hòa giữa văn hóa Nam bộ và Pháp. Nhà được dựng vào năm 1850, trên nền cao 0,5m so với mặt đất, gồm hai nhà là nhà trước và nhà sau nằm cách nhau bởi một khoảng sân Thiên Tĩnh (giếng trời).


Nhà trước là nơi có đặt bàn thờ phụng tổ tiên. Phía trước nhà là một hành lang khá rộng có lan can kiên cố. Bên trong nhà có lưu giữ những cổ vật quý hiếm như: 4 cây cột bằng gỗ căm xe; 3 bộ tủ thờ khảm xà cừ; bộ liễng khảm xà cừ; chiếc hộp gỗ khảm hình rồng, bên trong có bản “Sắc phong thần” do Vua Tự Đức ban vào khoảng thời kì từ năm 1848 tới năm 1860; 9 bức tranh tường tuyệt đẹp phác họa quang cảnh làng quê bình dị nằm bên một dòng sông trong xanh. Khu nhà sau, trước kia khu vực này vốn là một ngôi nhà 3 gian khá rộng, gồm: gian bếp, gian nhà ăn và gian nhà kho sử dụng để chứa lúa gạo và dụng cụ sản xuất. Tuy nhiên, trải qua thời gian , ngôi nhà đã bị xuống cấp chỉ còn lại một phần diện tích nhỏ sử dụng làm nhà bếp hiện tại. Cùng với những ngôi nhà cổ, miệt vườn xanh mướt, người dân Đông Hòa Hiệp còn giữ gìn, phát huy giá trị của những nghề thủ công truyền thống, tạo nên hình thức du lịch cộng đồng mang bản sắc riêng của khu vực Nam bộ.
Từ quốc lộ 1A, mem bờ sông theo đường giao thông nông thôn khoảng 3km về ấp An Thạnh, bạn sẽ bắt gặp ngôi nhà của ông Lê Quang Xoát. Nhìn bên ngoài ngôi nhà mang dáng vẻ của kiến trúc phương Tây, nhưng bên trong mang đậm nét thuần Việt.

Xây dựng từ năm 1818 với diện tích 750m² bằng vật liệu là gỗ với phong cách kiến trúc Huế như cột, kèo, mái ngói và vật dụng… được chế tác hoặc khảm rất tinh xảo.
Tới năm 1920, ngôi nhà được xây dựng thêm mặt trước với kiến trúc Pháp, điểm nhấn bên ngoài là hàng cột xi măng tròn, thẳng tấp được sơn màu trắng với nhiều hoa văn theo lối kiến trúc cổ của phương Tây.
Tới Đông Hòa Hiệp, khách du lịch sẽ có dịp tản bộ trên những con đường nằm len lỏi dưới những vườn cây ăn trái vừa để tận hưởng không gian yên bình vừa để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những ngôi nhà cổ; trải nghiệm những sinh hoạt thường ngày cùng người dân địa phương: tham gia làm cốm, tráng bánh tráng, cán bánh phồng sữa, chăm sóc vườn cây ăn trái, đi chợ nổi Cái Bè, tát mương bắt cá …; nghe đờn ca tài tử; … hay tham gia tour đạp xe khám phá những làng quê để hiểu thêm về cuộc sống của người dân miệt vườn sông nước. Ở đây, khách du lịch luôn cảm nhận được sự hiền hòa, hiếu khách của người làng Đông Hòa Hiệp.